0906.743.019

ĐẠI CƯƠNG VỀ SƠ CẤP CỨU

Mục tiêu của bài viết: Hiểu được các khái niệm và mục đích của sơ cấp cứu; đồng thời biết được những nguyên tắc hành động khi tiến hành sơ cấp cứu.

I. Khái niệm về sơ cấp cứu:

Là hành động can thiệp, trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn ngay tại hiện trường trước khi có sự hỗ trợ của nhân viên y tế.

II. Mục đích của sơ cấp cứu:

  • Giảm thiểu các trường hợp tử vong
  • Hạn chế các tổn thương thêm
  • Tạo điều kiện cho nạn nhân hồi phục

III. Các bước tiến hành sơ cấp cứu:

  • Quan sát hiện trường thu thập thông tin và đảm bảo tiếp cận nạn nhân an toàn.
  • Gọi sự trợ giúp, gọi cấp cứu
  • Đánh giá tình trạng nạn nhân.
  • Sơ cứu, chăm sóc hỗ trợ.
  • Vận chuyển an toàn đến cơ sở y tế gần nhất.

1. Trình tự:

Để đảm bảo tính mạng cho người sơ cứu, nạn nhân cũng như những người có mặt tại hiện trường, bắt buộc phải tuân theo một trình tự hành động là: D > R > A > B > C

D – Quan sát đánh giá hiện truờng để phát hiện những mối nguy hiểm tiềm ẩn

Nguy hiểm tiềm ẩn tại hiện trường từ: Nguồn điện cao thế; Nước sâu; Nguy cơ cháy, nổ; Khí độc, hoá chất; Vật rơi từ trên cao; Sạt lở;…

R – Đánh giá sự đáp ứng của nạn nhân.

Kiểm tra xem nạn nhân còn tỉnh hay bất tỉnh bằng cách:

  • Lay, gọi, hỏi nạn nhân.
  • Yêu cầu nạn nhân thực hiện những động tácđơn giản.

Đáp ứng của nạn nhân giúp bạn nhận biết được nạn nhân còn tỉnh hay không:

  • Trường hợp nạn nhân có đáp ứng thì tiếp tục kiểm tra các tổn thương khác để tiến hành sơ cứu, sau đó đưa nạn nhân về tư thế hồi phục an toàn (nếu không có tổn thương xương) và sau đó gọi điện thọai huy động hỗ trợ .
  • Một nạn nhân không có đáp ứng gì được xem là bất tỉnh và phải nhanh chóng kiểm tra và làm thông thoáng đường thở.

A – Kiểm tra và làm thông đường thở. 

  • Nâng đầu nạn nhân ngửa tối đa, tránh lưỡi tụt về phía sau
  • Kiểm tra dị vật và làm thông đường thở (Ví dụ: máu, dịch, đờm dãi, bùn đất,… ).
  • Đối với trường hợp nạn nhân có dị vật ở sâu (cách xử trí như trong bài Dị vật đường thở).
Kiểm tra và thông đường thở

B – Kiểm tra sự thở của nạn nhân.

Bằng cách nhìn, sờ, nghe cảm nhận.

  • Nhìn: Lồng ngực có/không di động theo nhịp thở.
  • Nghe: Áp sát tai nghe hơi thở tại mũi của nạn nhân
  • Cảm nhận: Áp sát tai cảm nhận có/không không khí hoặc hơi thở của nạn nhân yếu.
Kiểm tra sự thở của nạn nhân

C – Kiểm tra mạch của nạn nhân.

Kiểm tra mạch tại 1 trong các vị trí sau:

  • Mạch cảnh: ở cổ
  • Mạch quay: ở cổ tay
  • Mạch đùi : ở bẹn (nếu có thể được)
Kiểm tra mạch của nạn nhân

2. Kiểm tra các tổn thương khác kèm theo sau khi xử trí D-R-A-B-C:

  • Vết thương và chảy máu
  • Kiểm tra tổn thương xương
  • Kiểm tra toàn thân phát hiện các dấu hiệu bất thường.

3. Gọi cấp cứu:

Tuỳ theo tình trạng nạn nhân mà gọi sự hỗ trợ và cấp cứu. Khi gọi cấp cứu cần cung cấp những thông tin cụ thể sau:

  • Tên và số điện thoại của người sơ cứu.
  • Địa điểm xảy ra tai nạn.
  • Loại tai nạn, tổn thương và mức độ nghiêm trọng.
  • Số lượng, giới tính, độ tuổi của các nạn nhân.
  • Các nguy hiểm tại hiện trường như: chất cháy, nổ, khí độc.
  • Không cúp máy điện thoại trước khi cơ quan Y tế chưa khai thác hết thông tin.

Đón đọc bài 2: DI CHUYỂN NẠN NHÂN KHẨN CẤP